image banner
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ ĐÀ SƠN
Lượt xem: 340

Xã Đà Sơn gồm hai làng Phượng Kỷ Bụt Đà hợp lại.

1. Làng Phượng Kỷ

Cách đây gần ngàn năm, có một ngôi làng nhỏ nằm kề sông Lam, dưới chân rú Chùa (thuộc địa bàn xã Lưu Sơn ngày nay). Làng nhỏ ấy gọi là làng Kẻ Rạch. Cư dân của làng Kẻ Rạch gồm nhiều dòng họ từ nhiều nơi đến định cư. Người dân đến định cư và sinh sông ở làng Kẻ Rạch phần nhiều là làm ruộng, một sô' buôn bán nhỏ quanh vùng và ngược xuôi thuyền bè trên sông Lam. Theo sự biến đổi của thời gian và những tác động của thiên nhiên, dân làng Kẻ Rạch đã chuyển xuống sống gần chân núi Đà Sơn bên tả ngạn sông Lam.

Lúc bấy giờ, kinh tế nông nghiệp tương đối phát triển, việc giao lưu trao đổi sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giữa các vùng lân cận đã khá dễ dàng và là một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sông. Thuyền bè của các thương lái xuôi ngược đem sản phẩm các nơi khác về buôn bán trao đổi với nhân dân nơi đây. Và tự nhiên nơi này trở thành chợ, mua bán tấp nập đông vui. Chợ ấy gọi là chợ Phượng. Chợ Phượng trên bến dưới thuyền sầm uất, xung quanh nhà cửa ngày một thêm đông đúc, lâu dần trở thành một ngôi làng thịnh vượng và trù phú. Làng ấy được nhân dân gọi là làng Phượng Lịch.

Làng Phượng Lịch và chợ Phượng gắn liền với nhau rất lâu dài. Với ưu thế kề sông Lam trên chợ dưới thuyền đông vui tâp nập, khách thập phương ngược xuôi thuyền bè qua lại buôn bán sầm uất, nổi tiếng một thời. Những đêm trăng thanh gió mát, tiếng hát đò đưa trên dòng Lam đã làm cho cảnh trí làng quê càng thêm quyến rũ, một nét văn hoá đặc sắc thôn dã Việt Nam làm say đắm lòng

Nói đến làng Phượng Lịch và chợ Phượng không thể không nói đến cầu Già. Thời bấy giờ nhân dân hai làng qua lại khó khăn, phải lội qua con khe nhỏ, nhất là về mùa mưa lụt. Để giúp nhân dân đỡ khó khăn, trong một lần về thăm chợ Phượng và vãn cảnh chùa Bụt Đà (vào khoảng tháng 4 năm Quý Sửu - 1613) Quảng phú hầu Nguyễn Canh Hà (cháu nội của Thái phó Tân quốc công Nguyễn Cảnh Hoan) cùng vợ là Công chúa Trịnh Thị Ngọc Thanh (con gái của chúa Trịnh Tùng) đã cho mua đá về, và thuê thợ làm cầu. Cầu ây được nhân dân địa phương gọi là cầu Già, một cây cầu bằng đá hoa cương bắc qua con khe nhỏ, in bóng lung linh bên dòng sông thơ mộng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp.

Phía Tây có chợ Phượng, qua cầu Già sang phía Nam có núi Đà Sơn. Từ phía Đông Bắc nhìn sang, núi Đà Sơn như con voi đang phủ phục. Bên sườn núi Đà Sơn về phía Đông Nam có chùa Bụt Đà. Chùa Bụt Đà được xây dựng từ thời Uy Minh vương Lý Nhật Quang, khi ông đang làm Tri châu Nghệ An. Chùa được chạm trổ đẹp, co nhiều tượng Phật, có gác chuông bốn mái, cột đứng thành hàng.

Cũng trong năm Quý Sửu (1613), vợ chồng Quảng phú hầu Nguyễn Cảnh Hà về vãn cảnh chùa, nhận thấy chùa Bụt Đà sau một thời gian dài tồn tại đã xuống cấp nên sau khi làm xong cầu Già đã bỏ tiền ra thuê thợ tu sửa lại ngôi chùa. 3 năm sau, chùa Bụt Đà được trùng tu lại khang trang hơn. Quảng phú hầu Nguyễn Cảnh Hà đã cho dựng bia kỷ niệm. Trong văn bia có đoạn viết: “Chân thiên nam từ xưa có chùa Bụt Đà đã là một thắng cảnh. Phía bên trái có ngôi tháp cột đứng thành hàng, phía phải có dòng nước uốn khúc, trước sông là chợ, trên suối là cầu. Đây thật là một cõi Phật vào bậc nhất”. Tiếc rằng bia đá, chợ Phượng, Cầu Già, chùa Bụt Đà và cả tiếng chuông chùa ngân vang trong sương sớm nay đã không còn nữa bởi thời gian, thiên tai, địch hoạ. Giờ chỉ còn ngọn núi Đà Sơn đứng soi mình xuống dòng sông long lanh bóng nước, chứng kiến biết bao đổi thay của làng quê qua hàng mấy trăm năm lịch sử. Phía Tây Nam dòng sông còn có một ngôi miếu cổ nhỏ nhắn nằm chênh vênh trên vách đá, dưới vòm cây phượng đỏ rực màu hoa khi mùa hạ về. Phía ngoài cửa miếu có đôi câu đối bằng chữ Hán khá hay:

“Đà Sơn sơn thượng khách

Lang Thuỷ thuỷ trung thiên”

Tạm dịch là: “Núi Đà Sơn, núi thượng khách

Nước sông Lam, nước giữa trời”.

Ngôi miếu cổ ấy (Miếu Già ngày nay) thờ bà chúa Liễu Hạnh, hàng năm cứ đến sau tết âm lịch khi mùa xuân về, tiết trời ấm áp từ tháng giêng đến tháng 3, khách các nơi về đi lễ rất đông.

Ngoài việc đi lễ Đức thánh Mẫu để xin lộc, cầu tài còn để thưởng ngoạn phong cảnh kỳ thú của thiên nhiên, những canh quan sơn thuy hữu tình. Cách ngôi miêu nhỏ ấy gần 100m là Bến đò Già, một tuyến giao thông nối hai bờ sông Lam, bên tả ngạn là huyện Đô Lương, bên hữu ngạn là vùng Tây Bắc của huyện Thanh Chương để nhân dân đôi bờ qua lại giao lưu làm ăn, phát triển kinh tế.

Chính vì cư dân của làng Kẻ Rạch và làng Phượng Lịch từ nhiều nơi đến đây sinh sống nên trong làng có nhiều dòng họ như: họ Cao, họ Vũ, họ Nguyễn Đình, Nguyễn Quốc, Nguyễn Đăng. Các dòng họ đến sau như họ Trần Văn, Nguyễn Trọng, Họ Hoàng, Chu Đình, Nguyễn Văn, … cũng đã có gần 300 năm lịch sử. Đa số các dòng họ trên ngày càng phát triển và thịnh vượng, con cháu đông vui và phát đạt. Riêng họ Cao và họ Vũ hậu duệ cuối cùng hiện không còn nữa. Tất cả cư dân của các làng dù mang dòng họ khác nhau nhưng luôn chung lưng đấu cật, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, cùng đấu tranh vượt lên mọi khó khăn để xây dựng làng xóm, quê hương.

Đến cuối thế kỷ XVII, do những trận lụt lớn, nước sông Lam cuồn cuộn đổ về cuốn trôi hết tất cả nhà cửa của làng Phượng Lịch, xoá sạch dấu tích của chợ Phượng nổi tiếng một thời. Người dân của làng này dìu nhau vào phía trong đồng dựng lại nhà cửa, cứu giúp nhau vượt qua khỏi thiên tai và đặt tên cho làng mới của mình là làng Phượng Kỷ. Làng Phượng Kỷ ra đời từ đó và được xây dựng, phát triển cho đến ngày nay.

2. Làng Bụt Đà

Vùng đất của làng Bụt Đà trước đây vốn chưa có nhiều người sinh sống, chỉ có một ngôi chùa, gọi là chùa Bụt Đà. Đây là một ngôi chùa đẹp. Thời trước, mỗi khi đến những ngày lễ chùa, phật tử và nhân dân về chùa rất đông. Họ gồm những người buôn bán trên sông nước thường xuyên đi về chùa niệm phật hoặc là những Phật tử ở các nơi khác đến rồi dựng nhà ở gần chùa, ban đầu còn ít, về sau càng nhiều và dần dần hình thành nên một xóm dân cư mới ở phía Nam dưới chân núi Đà Sơn. Họ đặt tên cho xóm của mình là xóm Đồ Kệ. Việc tụng kinh, niệm Phật diễn ra hàng ngày trong các gia đình. Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang, họ hướng về nhà Chùa, cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nguyện cầu cho dân an, quốc thái, không bị giặc dã binh đao... Ngoài việc hàng ngày cần cù làm ăn cấy cày, buôn bán để sinh sống, một phần tâm linh của họ hướng về cõi Phật. Họ là những tín đồ chân chính của nhà Chùa, thể hiện một cách sinh động trong việc đặt tên cho xóm ở của mình. Xóm Đồ Kệ ra đời như thế. Một thời gian sau, người về lễ chùa càng đông, trong số này người ở lại định cư ngày càng nhiều. Xóm Đồ Kệ trở nên quá tải và họ phát triển nhà cửa dần vào phía trong, có đến hàng trăm nóc nhà, họ tổ chức thành một ngôi làng mới. Từ trong tâm linh họ lấy việc đức Phật ngự trên núi Đà Sơn mà đặt tên cho làng mới của mình là làng Bụt Đà. Làng Bụt Đà ra đời từ đó.

Tất cả những dòng họ như họ Phan, họ Phạm, họ Trần Văn, Trần Đăng, Trần Quốc, Trần Hữu, họ Hoàng Văn, Nguyễn Vĩnh, Nguyễn Công, Lê Đình, Nguyễn Văn, Nguyên Trọng, Lê Trọng đều có nhiều công lao xây dựng nên làng quê Bụt Đà trù phú như ngày nay.

Tuy nhiên, suôt cả thời gian dài hàng mấy trăm năm, nhân dân làng Bụt Đà sống trong cảnh đói nghèo khổ cực, ruộng đất nằm trong tay bọn địa chủ bóc lột, cuộc sống của nông dân ngày càng bị bần cùng hoá, thu nhập không đủ cầm hơi. Trong khi đó, thực dân Pháp đã khuyến khích các giáo sỹ phương Tây đi truyền đạo. Một bộ phận nhỏ nông dân của hai làng Bụt Đà, Phượng Kỷ đã đi theo đạo Thiên Chúa.

Năm 1890, nhà Chung xứ Bụt Đà ra đời. Năm 1912, nhà thờ đạo Thiên Chúa xứ Bụt Đà được xây dựng, do giáo sỹ phương Tây cai quản. Trong thời gian này, bọn địa chủ cường hào trong đạo Thiên Chúạ xứ Bụt Đà đã câu kết với bọn cường hào địa chủ địa phương, được tên đồn trưởng Đô Lương và Tri phủ Anh Sơn hỗ trợ định cướp hàng trăm mẫu đất Bãi Già, nhưng bị nông dân làng Bụt Đà chống lại quyết liệt, chúng phải tháo chạy không thực hiện được âm mưu cướp đất.

Trước năm 1880, phủ đường Anh Sơn đóng phủ lỵ tại làng Bụt Đà. Cho đến năm 1972, vẫn còn một xóm dân cư khoảng 30 gia đình gọi là xóm Phủ, là nơi trước đây phủ đường đóng. Để thực hiện chủ trương ổn định ruộng đất, xóm Phủ này phải dời vào trong các xóm khác để lấy số diện tích này làm ruộng canh tác.

Thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn chủ trương cắt một số tổng của huyện Thanh Chương và Nam Đàn thành lập huyện Lương Sơn do tri phủ Anh Sơn cai quản. Cũng trong thời gian này Tổng đốc Nghệ An ra quyết định thành lập xã Phật Kệ gồm hai làng Bụt Đà và Phượng Kỷ.

Như vậy, kể từ khi cha ông ta mở đất lập làng, trải qua gần ngàn năm lịch sử, qua biết bao thăng trầm biến đổi, các thế hệ của tiền nhân đã tôn biết bao công sức, đương đâu với thiên tai, địch hoạ và dịch bệnh để tồn tại và phát triển, xây dựng nên một vùng quê ngày càng phát triển cả về dân cư, dân sô và chất lượng cuộc sống. Trong thời đại ngày nay, các thế hệ con người Đà Sơn có thể tự hào với cha ông là chúng ta đã phát huy được những tinh tuý của tiên nhân. Nhìn vào bộ mặt nông thôn làng xã, ta thấy có nhiêu thay đổi to lớn: đường làng gần 100% bê tông hoá; trường học rộng trãi khang trang, trạm xá đã có bác sỹ khám chữa bệnh cho dân, có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại; điện đã về 100% hộ dân; nhiều dịch vụ tiểu thủ công nghip, thương nghiệp mở ra khắp nơi trong thôn xóm để phục vụ cuộc sống hàng ngày cho nhân dân; trên đồng ruộng người nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác... Cùng với chính sách đổi mới và cơ chế thông thoáng, năng suất trên đồng ruộng ngày một tăng cao, đời sống của nông dân ngày càng khá hơn, công cuộc xoá đói giảm nghèo ngày càng thu được nhiều kết quả quan trọng.

Văn hoá giáo dục không ngừng phát triển. Các thế hệ người Đà Sơn đã phát huy được truyền thông hiếu học của quê hương. Số học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng. Hàng năm, có nhiều học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Đó là những con người đã góp phần tô thắm cho bức tranh quê hương ngày càng tươi đẹp. Những hình bóng của dấu tích xưa về cây đa, bên nước, sân đình, chùa chiền, đền miếu, những hình bóng cổ xưa của Chợ Phượng, cầu Già, cả tiếng chuông chùa ngân dài trong sương sớm, cả tiếng hát đò đưa trên dòng Lam thơ mộng, cả khí phách hào hùng của cuộc biểu tình tại Truông cồn Đọi, cả tiếng trống Xô viết trên đỉnh rú Kiêng năm 1930 – 1931 ... đã nuôi dưỡng tâm hồn và thôi thúc ý chí biết bao thế hệ con người Đà Sơn, chắp cánh cho họ bay đi muôn nẻo đường của đất nước, trở thành các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ ... trong các giảng đường Đại học hay trong các Viện nghiên cứu. Họ là những học sinh, sinh viên đang ngày đêm dùi mài đèn sách. Họ là những nhà quản lý những công nhân lành nghề trên các công trường, xí nghiệp. Họ là những chiến binh, những sỹ quan cao cấp đang cầm chắc tay súng ngày đêm trên biên cương hay ngoài hải đảo xa xôi của Tổ quốc để canh giữ cho đất nước yên bình, cả những con người Đà Sơn đang định cư ở nước ngoài, tất cả đều hướng về quê hương, góp công sức, trí tuệ và vật chât để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Quê hương ta có núi Đà Sơn với tượng hình voi phục, có dòng sông Lam uôn khúc chảy qua, có bãi bồi ven sông màu mỡ, có ruộng đồng xanh tốt quanh năm, có nhân dân một lòng với Đảng, chúng ta lại có một Đảng bộ mạnh, nhiều cán bộ đảng viên tâm huyết và bản lĩnh cách mạng luôn nguyện đem hết tâm trí và nghị lực phục vụ nhân dân.

Tháng 2/1946 đơn vị hành chính xã mới ra đời. Làng Phượng Kỷ, Bụt Đà và làng Trùng Quang nhập lại thành xã Phật Quang. Đồng chí Trần Đăng Hiến được bầu làm chủ tịch xã, đồng chí Trần Văn Đệ làm phó chủ tịch. Sau đó chi bộ Đảng ra đời, gọi là chi bộ Tượng Sơn, có 9 đảng viên do đồng chí Trần Doãn Triết làm bí thư

Cuối năm 1947, Trung ương có chủ trương thành lập xã lớn hơn. Xã Thuần Trung gồm 10 làng, trong đó có 2 làng Bụt Đà và Phượng Kỷ được thành lập. Chi bộ Đảng xã Thuần Trung ra đời gọi là chi bộ Siêu Hải. Đảng viên ở các làng được tập hợp, hình thành các tổ chức Đảng trực thuộc chi bộ xã. Đảng viên làng Phượng Kỷ được gọi là tổ Giáp, đảng viên làng Bụt Đà thành lập 2 tổ đảng, tổ ất A và tổ ất B. Xã Thuần Trung từ cuối năm 1947 đến hết năm 1953, có 2 cán bộ của Đà Sơn đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng bộ xã. Đó là đồng chí Chu Đình Mân - Bí thư thời kỳ 1949; đồng chí Nguyễn Đình Hoè (Tức Nguyễn Thanh Tâm) - Bí thư thời kỳ 1953. Sau khi xã Thuần Trung giải thể, ngày 01/01/1954, xã Đà Sơn ra đời, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

                                                                                                                                           (Nguồn: Đảng uỷ xã Đà Sơn)


 

 

 

 

TIÊN LIÊN QUAN
Không có dữ liệu
BẢN ĐỒ XÃ NGHĨA PHÚC - HUYỆN TÂN KỲ
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐÀ SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch xã
Trụ sở: Xã Đà Sơn - Huyện Đô Lương - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0942039333 - Email: phamthihanhktds@gmail.com